Dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các dạng thuốc thang và các dạng bào chế khác của thuốc Đông y, thuốc từ Dược liệu
Chăm sóc sức khỏe

Tên gọi khác:

  •  Kỷ tử, Câu khởi, Khởi tử, Địa cốt tử, Khủ khởi.

 Tên khoa học:

  •  Lycium sinense Mill., thuộc họ Cà Solanaceae.

 Tên Hán Việt khác: 

  • Cẩu kế tử , Cẩu cúc tử, Khổ kỷ tử , Điềm thái tử , Thiên tinh tử (Bảo Phát), Địa cốt tử, Địa tiết tử .

Mô tả cây thuốc: 

  • Cây thuốc Câu kỷ tử là cây bụi mọc đứng, phân cành nhiều, cao 0,5-1,5m. Cành mảnh, thỉnh thoảng có gai ngắn mọc ở kẽ lá. Lá nguyên nhẵn, mọc cách, một số mọc vòng, cuống lá ngắn, phiến lá hình mũi mác, hẹp đầu ở gốc. Hoa nhỏ mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc có một số hoa mọc chụm lại. Đài nhẵn, hình chuông, có 3-4 thùy hình trái xoan nhọn, xẻ đến tận giữa ống. Tràng màu tím đỏ, hình phễu, chia 5 thùy hình trái xoan tù, có lông ở mép. Nhị 5, chỉ nhị hình chỉ đính ở đỉnh của ống tràng, dài hơn tràng. Bầu có 2 ô, vòi nhụy nhẵn dài bằng nhụy, đầu nhụy chẻ đôi. Quả mọng hình trứng, khi chín màu đỏ sầm, hoặc vàng đỏ. Hạt nhiều hình thân dẹp. Ra hoa từ tháng 6-9, có quả từ tháng 7 đến tháng 10.

Địa lý: 

  • Có nhiều ở Trung Quốc nước ta còn phải nhập, có ở các tỉnh biên giới Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.

Thu hái, sơ chế:

  • Hái quả hàng năm vào tháng 8-9, phơi khô. Khi quả chín đỏ hái vào sáng sớm hoặc chiều mát, trải mỏng, phơi trong râm mát cho đến khi bắt đầu nhăn mới phơi chỗ nắng nhiều cho đến khi thật khô.

Phần dùng làm thuốc: 

  • Dùng quả khô rụng (Fructus Lycii).

Mô tả dược liệu sạch:

  • Vị thuốc Câu kỷ tử là quả khô Câu kỷ tử hình bầu dục dài khoảng 0,5-1cm, đường kính khoảng hơn 0,2cm. Vỏ quả màu tím đỏ hoặc đỏ tươi, mặt ngoài nhăn teo bên trong có nhiều hạt hình tạng thận màu vàng, có một đầu có vết của cuống quả, không mùi, vị ngọt hơi chua, sau khi nếm nước bọt có màu vàng hồng. Loại sản xuất ở Cam túc có quả tròn dài, hạt ít, vị ngọt là loại tốt nhất nên gọi là Cam kỷ tử hay Cam câu kỷ (Dược Tài Học).

Bào chế:

  • Lựa thứ quả đỏ tươi, tẩm rượu vừa đều để một hôm, gĩa dập dùng.
  •  Thường dùng sống, có khi tẩm rượu sấy khô, hoặc tẩm mật rồi sắc lấy nước đặc, sấy nhẹ cho khô, đem tán bột mịn.

Bảo quản:

  •  Đựng vào lọ kín để nơi khô ráo, nếu bị thâm đen đem xông diêm sinh hoặc phun rượu, xóc lên sẽ trở lại màu đỏ đẹp.

Tính vị:

  •  Tính hơi hàn, không độc (Danh Y Biệt Lục).
  •  Vị ngọt, tính bình (Dược Tính Bản Thảo).
  • Vị hàn, không độc (Thực Liệu Bản Thảo).

Qui kinh:

  •  Vào kinh túc Thiếu âm Thận, túc Quyết âm Can (Bản Thảo Hối Ngôn).
  • Vào kinh túc thiếu âm Thận, thủ Thiếu âm tâm (Bản Thảo Kinh Giải).
  •  Vào kinh Can, Thận, Phế (Trung Dược Học).
  • Vào kinh Can, Thận (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Tác dụng của Câu kỷ tử:

  •  Bổ ích tinh huyết, cường thịnh âm đạo (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
  •  Bổ ích tinh bất túc, minh mục, an thần (Dược Tính Bản Thảo).
  • Trừ phong, bổ ích gân cốt, khử hư lao (Thực Liệu Bản Thảo).
  • Tư thận, nhuận phế (Bản Thảo Cương Mục).
  • Chuyên bổ thận, nhuận phế, sinh tân, ích khí, là thuốc chủ yếu bổ can thận chân âm bất túc, là thuốc tốt để ích tinh, minh mục... (Bản Thảo Kinh Sơ)
  •  Kỷ tử có tác dụng tư bổ can thận, sinh tinh huyết, minh mục, nhuận phế (Trung Dược Học).
  •  Tư dưỡng Can Thận (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Chủ trị:

  • Trị xoay xẫm, chóng mặt do huyết hư, thắt lưng đau, Di tinh, tiểu đường (Trung Dược Học).
  •  Trị các chứng can thận âm hư, âm huyết hư tổn, chứng tiêu khát, hư lao, khái thấu (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Kiêng kỵ:

  •  Tỳ vị hư yếu, đại tiện sống phân hoặc phân lỏng không nên dùng.
TRỢ GIÚP 024.38643360 024.38643360 mp@mediplantex.com